Có hay không nên cho nhân viên biết lương của nhau?
Bằng việc cho các nhân viên biết sâu hơn về dữ liệu tài chính của công ty, chính sách này khiến họ có cảm giác như mình cũng là một cổ đông và chiếm một cổ phần lớn trong công ty từ đó họ cảm thấy mình có trách nhiệm hơn.
Bạn đã bao giờ tò mò tự hỏi lương của sếp mình là bao nhiêu hay chưa? Nếu bạn may mắn được làm việc tại Whole Foods, chuỗi bán lẻ nổi tiếng nước Mỹ, “ước ao” này sẽ trở thành sự thật, bạn có thể công khai xem lương của tất cả các nhân viên trong công ty, từ đồng nghiệp cho đến lãnh đạo cấp cao như CEO.
Theo đó, ban lãnh đạo của Whole Foods tin rằng để tạo nhiều niềm tin nhiều nhất có thể với nhân viên, họ có thể làm mọi việc ngay cả vấn đề công khai lương, thưởng của toàn bộ nhân viên. Vì vậy, một chính sách mở đã được áp dụng cho phép toàn bộ nhân viên có thể dễ dàng biết được mức lương, tiền thưởng của bất cứ ai trong năm trước đó, thậm chí cả những vị trí lãnh đạo cấp cao như CEO.
Cuốn sách “The Decoded Company: Know Your Talent Better Than You Know Your Customer” (Tạm dịch: Mật mã công ty: Hãy hiểu tài năng của bạn tốt hơn hiểu biết về khách hàng) được viết bởi 4 doanh nhân Leerom Segal, Aaron Goldstein, Rahaf Harfoush và Jay Goldman có giải thích về chính sách độc đáo của Whole Foods.
Theo đó, với chính sách này hãng bán lẻ mong muốn thúc đẩy sự giao tiếp, trao đổi về vấn đề lương giữa các nhân viên trong công ty. Ngoài ra, nó cũng ngầm thúc đẩy sự cạnh tranh để phát triển trong công ty.
Chính sách này được CEO John Mackey chính thức tuyên bố áp dụng vào năm 1986, chỉ 6 năm sau khi công ty được thành lập. Đi kèm với công bố này, ông có giải thích rằng mục đích ban đầu của ông là giúp nhân viên hiểu tại sao một số người được trả mức lương cao hơn những người khác. Nếu nhân viên hiểu được phải làm việc và đạt được thành tích như thế nào để kiếm được mức lương nhiều hơn thì họ cũng sẽ có động lực để phấn đấu nhiều hơn.
“Tôi đã nhận được vô số những thắc mắc về lương bổng như: Tại sao bạn lại trả cho giám đốc khu vực này nhiều còn tôi chỉ được trả như vậy? Tôi đã phải trả lời rằng bởi vì người đó tạo ra nhiều giá trị hơn bạn. Nếu bạn làm việc và tạo ra được kết quả giống như người đó, tôi cũng sẽ trả cho bạn mức lương tương tự”.
Bên cạnh việc công khai dữ liệu lương bổng của tất cả các nhân viên, Whole Foods đồng thời công bố dữ liệu về doanh số bán hàng tại các cửa hàng và toàn khu vực hàng ngày, hàng tuần. Ngoài ra, một tháng 1 lần, Whole Foods gửi đến mỗi cửa hàng bảng báo cáo chi tiết về lợi nhuận và doanh số bán của các chuỗi cung cấp tại từng địa điểm.
CEO Mackey và các lãnh đạo cấp cao khác của Whole Foods tin rằng văn hoá chia sẻ thông tin (cụ thể là lương bổng) này sẽ giúp tạo ra cảm giác “chia sẻ số phận” giữa các nhân viên trong công ty. “Nếu muốn tạo ra một tổ chức đề cao niềm tin với mục tiêu mọi người vì 1 người và 1 người cho tất cả thì không thể có những bí mật”, CEO Mackey nói.
Cuốn sách “Mật mã công ty” kể trên tỏ ra đồng tình với chính sách công khai lương của hãng Whole Foods. Các tác giả đều cho rằng, chính sách mở này chứng minh lợi ích của việc sử dụng dữ liệu và thông tin để hình thành nên “mối quan hệ trực tiếp giữa quyết định của cá nhân và ảnh hưởng của nó tới doanh nghiệp”.
Bằng việc cho các nhân viên biết sâu hơn về dữ liệu tài chính của công ty, chính sách này khiến họ có cảm giác như mình cũng là một cổ đông và chiếm một cổ phần lớn trong công ty từ đó họ cảm thấy mình có trách nhiệm hơn.
Ngoài ra, cuốn sách còn dành những lời “có cánh” cho chính sách công khai lương kể trên như: “Whole Foods là một ví dụ đầy hấp dẫn về sự thành công của sự kết hợp các giá trị mềm với sự nhạy bén trong phương thức quản trị kinh doanh. Đây là bước đệm tạo nên một lực lượng lao động năng suất cao và có ý thức sâu sắc về tính cộng đồng”.
Leave a Reply